CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM
BÁNH NƯỚNG THẬP CẨM JAMBOM HẠT DƯA
“Minh Ý gìn giữ tinh hoa bánh Trung thu cổ truyền”
Trước guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, của những mưu sinh cơm áo gạo tiền, con người ta dường như chẳng thể để tâm tới thời khắc của tháng ngày. Nhưng đến mỗi độ trăng rằm tháng tám, chúng ta vẫn luôn khắc ghi hình ảnh quay quần, sum họp của gia đình. Người Việt gọi thời khắc đó là Tết Trung thu – Tết đoàn viên.
Là một trong những biểu tượng truyền thống của Tết đoàn viên, bánh trung thu không chỉ đơn thuần là một món ăn được xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, mà còn mang trên mình sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt của nhân và vị thơm của bánh, giống như sự kết hợp giữa trái tim con người và ánh sáng mặt trăng. Dưới bầu trời đêm Trung thu, gia đình, bạn bè quây quần bên nhau, cắt từng miếng bánh nhỏ, thưởng thức và chia sẻ. Chiếc bánh khi ấy không những kết nối tình thân mà còn nhắc nhớ chúng ta hướng về nguồn cội. Bánh trung thu đại diện cho lòng biết ơn đối với trời đất sau mỗi mùa màng bội thu, là dịp để mỗi người dành tặng những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ý nghĩa tới người thân với lời chúc tốt đẹp nhất.
Làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, HN) được coi là cái nôi của nghề làm bánh trung thu của Việt Nam. Hiện trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có gần chục cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống với nhiều thương hiệu khác nhau. Mỗi cơ sở đều có hương vị, đặc trưng riêng nhưng có một cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh dẻo mang hương vị ngọt dịu, mùi bánh thơm cuốn hút đã có mặt trên thị trường hàng chục năm nay, đó là cơ sở sản xuất bánh của ông Nguyễn Thừa Chiến.
Gần 40 năm qua là hành trình sáng tạo không ngơi nghỉ của thương hiệu bánh Trung thu Minh Ý. Hòa mình cùng dòng chảy năng động của nền kinh tế, Cơ sở Minh Ý đã không ngừng đổi mới, phát triển quy mô sản xuất, cải tiến sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới trên cơ sở của những giá trị truyền thống. Sau những lần miệt mài thử nghiệm, ông đã thành công trong việc điều chỉnh hương vị thuần Việt cho từng chiếc bánh. Vẫn những nguyên liệu cơ bản của bánh trung thu, nhưng ít ngọt hơn, vị đậm đà hơn thể hiện rõ qua các thành phần, nguyên liệu, mùi vị của bánh. Hương vị này đã được bảo tồn gìn giữ qua bao năm tháng, trở thành nét riêng của bánh trung thu Minh Ý.
Cùng với sự thay đổi của thời gian, một số thương hiệu lâu năm của làng Xuân Đỉnh đã trở thành một phần của dĩ vãng, một số vẫn giữ nguyên vị trí trong lòng hoài niệm của khách hàng, một số khác phát triển theo thời gian, khẳng định vị trí trong nền kinh tế mới. Minh Ý nằm trong nhóm cuối cùng. Những mẻ bánh của Minh Ý lấy cảm hứng từ “sự chân tình”. Đây cũng chính là thông điệp chính để Minh Ý thể hiện sự tôn trọng, trân quý, tình cảm chân thành đối với các khách hàng trong hành trình quan trọng này.
Vì cần cù, chịu khó tìm tòi, sáng tạo nên ông Chiến được thừa hưởng những bí quyết, kinh nghiệm làm bánh gia truyền từ gia đình để lại. Từ việc chọn lựa các nguyên liệu làm bánh đến khâu thiết kế hình mẫu, tạo hình, lựa chọn hộp bánh… tất cả đều phải đảm bảo được cả về mặt chất lượng lẫn thẩm mỹ. Hiện nay, cơ sở đang sản xuất gần 200 loại bánh trung thu. Mỗi chiếc bánh đại diện một câu chuyện thú vị, ẩn chứa ý nghĩa riêng, mang đậm cá tính và thể hiện tài năng người làm bánh gói trọn nét duyên thanh nhã của hoa cỏ, đất trời, cuộc sống vào từng tạo hình. Mỗi dòng bánh lại có một hương vị riêng, nhưng đều tạo được sức hấp dẫn với người dùng.
Sự giao hòa đồng điệu này chính là nút thắt kết nối giữa vật phẩm và cảm xúc, giữa tin tưởng và yêu thương. Đây chính là những món quà hoàn hảo nhất, là tấm “chân tình” trọn vẹn nhất để gửi trao thay cho lời muốn nói. Điểm tạo nên sự khác biệt của “Bánh nướng nhân thập cẩm Jambon hạt dưa” Minh Ý đối với những hiệu bánh trung thu khác cùng thời là sự khéo léo và tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu để chọn ra những nguyên liệu tươi ngon nhất kết hợp với công thức gia truyền tạo nên chiếc bánh vỏ mỏng mềm, nhưng nhân thập cẩm lại có vị ngọt mang đậm hương vị thuần Việt không nhầm lẫn được gồm: mỡ đường, hạt dưa, lá chanh, lạp xưởng mứt bí, mứt sen, vừng rang… Những nguyên liệu này là sự giao thoa giữa những tinh hoa, sản vật của nền văn minh lúa nước và dáng vẻ tròn vành vạnh của chiếc bánh mang ý nghĩa cầu mong mùa màng mưa thuận gió hòa, bội thu nông sản.
Không chỉ phát huy trong việc giữ gìn hương vị truyền thống, mà còn đảm bảo phát huy sự sáng tạo trong hình thức, cách kết hợp nguyên liệu, để tạo nên những sản phẩm sáng tạo hơn, bắt mắt hơn, thú vị hơn, để dễ dàng thu hút sự quan tâm của khách hàng. “Bánh nướng nhân thập cẩm Jambon hạt dưa” Minh Ý được đựng trong hộp thiết kế trang nhã với gam màu chủ đạo là đỏ, vàng, bánh trung thu Minh Ý trở thành món quà ý nghĩa cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu trong mỗi dịp Tết Trung Thu sum vầy.
Bằng niềm đam mê và tất cả tâm huyết, ông Nguyễn Thừa Chiến hy vọng có thể truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai để tiếp tục lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam. Bằng việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất công nghiệp số lượng lớn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn lưu giữ vẹn nguyên hương vị cổ truyền, hàng năm không chỉ đưa ra thị trường hàng triệu chiếc bánh, mà ông còn truyền lửa dạy nghề cho cả chục lứa học viên.
Việc bảo tồn những giá trị truyền thống này không chỉ mang lại hơn nữa cho ẩm thực Việt Nam mà còn là một cách để truyền tải và gìn giữ linh hồn văn hóa của dân tộc.
Với nhiều người, thưởng thức bánh trung thu còn là một nghệ thuật, một thú vui tao nhã bình yên để chiêm nghiệm về cuộc đời. Chính những ý nghĩa tinh thần đặc biệt ấy mà chiếc bánh trung thu Minh Ý luôn giữ vị trí nhất định trong lòng mỗi gia đình Việt.